Mani giáo trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung Mani_giáo

Minh giáo - Anh hùng xạ điêu

Hoàng Thường là một viên quan dưới triều vua Tống Huy Tông. Theo mệnh lệnh từ Hoàng đế, ông đi thu thập tất cả các sách của Đạo gia để viết ra bộ sách Vạn Thọ Đạo Tạng. Nhờ trí thông minh và lòng kiên trì, Hoàng Thường đã học được trọn bộ bí kíp võ học của Đạo gia và trở thành một cao thủ.

Sau sự kiện dẫn quân tiến đánh Minh Giáo nhưng thất bại, nhờ võ công cao cường nên Hoàng Thường đã sống sót. Ông quyết định chạy lên núi ẩn náu, rèn luyện võ nghệ để trả thù. 40 năm trôi qua, nhờ giác ngộ đạo lý của võ học nên võ công đạt đến mức thượng đẳng. Hoàng Thường quay về trả thù nhưng lúc này đối thủ đều đã già nua hoặc qua đời. Không còn ý định trả thù, nhưng vì tiếc những kiến thức đã thu thập được nên Hoàng Thường đã viết lại thành bộ Cửu Âm Chân Kinh, mục đích truyền lại kiến thức võ học cho đời sau.

Minh giáo - Ỷ thiên Đồ long ký

Minh giáo cùng với Thiếu Lâm và Cái Bang được xem là 3 giáo phái, môn phái và bang hội hùng mạnh nhất võ lâm. Tổng đàn của Minh giáo đặt trên đỉnh Quang Minh, dãy núi Hoàng Sơn. Dưới chức giáo chủ là chức Quang Minh tả sứ và Quang Minh hữu sứ. Minh giáo thờ thần lửa, lấy hành hiệp trượng nghĩa, cứu giúp dân lành làm tôn chỉ. Dưới triều đại giáo chủ đời thứ 33 là Dương Đỉnh Thiên, Minh giáo nhiều nhân tài kẻ sĩ, khí đồ hưng vượng. Sau khi Dương Đỉnh Thiên mất, Minh giáo nội bộ lục đục, bộ thuộc không ai cai quản vi phạm tôn chỉ làm nhiều điều càn rỡ, nên bị giang hồ võ lâm khinh ghét.

Trong tiểu thuyết còn có đoạn viết:

"Trương Vô Kỵ mở sách ra, thấy viết bằng chữ nhỏ theo lối khải, mọi việc đều dẫn chứng sách vở rõ ràng. Trong sách kể lại minh bạch, Minh giáo nguyên từ nước Ba Tư, tên thật là Ma Ni giáo, truyền vào Trung thổ từ Diên Tải nguyên niên, đời Đường Võ Hậu. Thời đó người Ba Tư tên là Phí Đa Diên mang bộ Tam Tông Kinh của Minh giáo đến triều, là lần đầu tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này. Ngày hai mươi chín tháng 6 năm thứ ba đời Đại Lịch nhà Đường, chùa Minh giáo Đại Vân Quang Minh được xây cất tại Lạc Dương, Trường An. Sau đó tại các thị trấn lớn như Thái Nguyên, Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu, Việt Châu cũng đều có Đại Vân Quang Minh tự. Tới năm Hội Xương thứ ba, triều đình ra lệnh giết giáo đồ, thế lực Minh giáo đại suy. Từ đó về sau, Minh giáo trở thành một tôn giáo bí mật, phạm cấm, đời nào cũng bị quan phủ truy lùng giết chóc. Để có thể sinh tồn, người trong Minh giáo không thể không hành sự ngụy bí, để rồi chữ Ma trong Ma Ni bị đổi thành Ma, đồng nghĩa với tà ma, người ngoài gọi là ma giáo."

Sau này Trương Vô Kỵ lên làm giáo chủ, đã thống nhất quần hùng, hóa giải mọi hận thù với các đại môn phái. Minh giáo ngày càng mở rộng, thế lực hùng mạnh, góp công lớn đánh đổ nhà Nguyên. (Chu Nguyên Chương cũng được nhắc đến trong truyện là thành viên Minh giáo, cũng là người có công nhất thống thiên hạ, lập ra nhà Minh).

Nhật Nguyệt thần giáo - Tiếu ngạo giang hồ

Thời gian được nhắc đến trong bộ Tiếu ngạo giang hồ là khoảng giữa thời nhà Minh (khoảng 100 - 200 năm sau thời kỳ trong Ỷ thiên Đồ long ký). Tuy Kim Dung không nhắc đến tên Minh giáo, nhưng người đọc cũng nhận ra được Nhật Nguyệt thần giáo (日月神教) chính là Minh giáo, do chữ Nhật và chữ Nguyệt ghép thành chữ Minh trong chữ Hán, và giáo phái này cũng dùng những chức danh như Minh giáo, ví dụ như Quang Minh tả sứ.

Bản dịch của Hàn Giang Nhạn gọi giáo phái này là Triêu Dương Thần Giáo. Giáo phái này đóng quân ở Hắc Mộc nhai, Quang Minh đỉnh, bị các môn phái khác coi là tà phái (gọi là Ma giáo). Nhưng đây cũng là phái tập hợp nhiều nhân tài, nhiều kỳ nhân dị sĩ. Bất kỳ ai khi theo giáo phái đều bị giáo chủ cho uống một viên thuốc gọi là Tam thi não thần đan để buộc phải phục tùng giáo chủ.